Làng Chăm An Giang

01/01/2022

Có một vùng đất trải dọc bờ sông Hậu, với hình ảnh cô gái Chăm e ấp sau chiếc khăn Khanh Ma-om, với tiếng rống là say mê biết bao lữ khách. Vùng đất này đã mang lại cho Nhạc sĩ Trần Tiến cảm hứng sáng tác những ca từ tha thiết, triều mến:

Tôi yêu chiếc khăn Mat’ra
Vương trên trán em dịu êm
Tôi yêu tiếng ca Atidza
Mênh mang mênh mang biển sóng
Tôi yêu đóa hoa sớm mai
Vương trên trên áo em nhẹ rơi

An Giang hiện có 9 làng Chăm, với khoảng 5 ngàn hộ dân, hơn 17 ngàn người; tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú. Đồng bào Chăm An Giang hầu hết theo đạo Hồi giáo Islam.

Các làng Chăm được phân bố tập trung dọc theo hai bên bờ sông Hậu và các nhánh sông Hậu với những ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đặc trưng. Có những ngôi nhà sàn gỗ đã có hàng trăm năm tuổi, được thiết kế hết sức tinh tế theo không gian rộng, thoáng mát với thiên nhiên. Nhà khi làm sẽ được chia thành hai loại là nhà nhỏ 4 gian và nhà lớn 5 gian. Theo phong thủy thì mặt tiền luôn quay về hướng nam và phải có một cái thang bằng gỗ để đi lên đi xuống. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người để khi người lạ vào nhà phải cúi thấp với ý chào chủ nhà. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà loại gỗ dùng cất nhà sẽ thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Bên trong, người Chăm không để bàn ghế, mà khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Đặc biệt trong nhà có một khung cửa có màn che được trang trí bắt mắt để ngăn cách với gian nhà trong. Theo tập tục, đây là khu vực sinh hoạt hoàn toàn dành riêng cho đàn bà con gái, đàn ông con trai không được vào. Do đó mà khu vực này rất được coi trọng khi có khách hoặc người là đến nhà chơi.

Đến làng Chăm, du khách khổng thể nào bỏ lỡ những thánh đường nổi bật với kiểu kiến trúc mái vòm, đây là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa cộng đồng của  người Chăm.

Nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này. Thánh đường Mubarak lỗng lẫy – nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm theo Hồi giáo. Thánh đường có kiến trúc độc đáo, tháp tròn, cổng chính hình vòng cung, rất đặc sắc. Nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Đây là một trong những công trình có giá trị cao, và là điểm tham quan hấp dẫn tại làng Chăm Châu Giang. Nếu bạn ghé thăm làng Chăm Đa Phước thì hãy đến tham quan Thánh đường Masjid Al Ehsan và Thánh đường Sunna, đây là 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang.

Trong thánh đường không thờ tranh, tượng hay bất cứ vị thần linh nào mà chỉ tôn thờ duy nhất kinh Koran. Người theo đạo Hồi tin rằng, những điều được đấng tối cao viết ra và truyền lại trong kinh Koran đều sẽ trở thành hiện thực và họ phải thực hiện đúng theo giáo lý.

Mỗi năm đồng bào Chăm An Giang có 3 lễ lớn, Lễ Roja vào ngày 10/12 Hồi lịch, Lễ Ramadam, hay còn gọi là lễ ăn chay kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30/9 Hồi lịch, Lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed vào ngày 12/3 Hồi lịch. Trong tháng Lễ Ramadan, bà con dù đi làm ăn nơi đâu cũng tranh thủ quay về quê nhà để thực hiện nghi thức tôn giáo, tất cả người Chăm kể cả trai gái từ 15 tuổi trở lên đều phải thực hành nhịn ăn, nhịn uống và hạn chế lao động nặng nhọc. Thời gian nhịn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất bóng. Sau đó, mọi người được ăn uống bình thường, cho đến thời điểm bắt đầu một ngày chay tịnh mới của sáng hôm sau. 

Sau khi kết thúc Ramadan 70 ngày thì người Chăm bước vào lễ hội Roja hay còn gọi là Haij, là ngày Tết cổ truyền mừng tuổi mới. Tại các thánh đường, người dân mổ dê, bò để mở tiệc tùng sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời điểm các hoạt động đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Chăm An Giang sôi nổi nhất. Họ tổ chức ca hát, múa, biểu diễn văn hoá văn nghệ với những giai điệu và bài hát riêng của mình. 

Một nét văn hóa đặc trưng khác là trang phục. Đối với người nam thì đội nón vải, còn phụ nữ thì choàng khăn Matơra hay còn gọi là khăn Khanh Ma-om. Hình ảnh cô gái Chăm với trang phục truyền thống bên khung cửi không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa, của dân tộc mà còn là điểm nhấn độc đáo, duyên dáng đặc trưng của phụ nữ Chăm ở An Giang.

Người Chăm còn được gọi là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi qua những sản phẩm may, đan, thêu, kết cườm trên trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo với những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Sản phẩm luôn thu hút được khách hàng bởi có nét đẹp rất riêng. Đến tham quan làng Chăm bạn đừng quên mua hàng thổ cẩm từ túi xách, bóp viết,khăn choàng rất đa dạng được chính người dân tại đây tự dệt tay làm nên.

Ngày nay, những thánh đường Hồi giáo với kiến trúc nghệ thuật ấn tượng cùng với nét văn hoá đặc trưng trong đời sống sinh hoạt và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm An Giang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Vì thế một bộ phận người Chăm đã nhanh chóng đón nhận xu thế, tham gia làm du lịch để giới thiệu về những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.

Nếu có dịp đến thăm An Giang, hãy ghé qua làng Chăm hiền hoà nghiêng mình soi bóng nước Cửu Long, nơi còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa, tập tục truyền thống sau biến cố hàng trăm năm lịch sử dân tộc, ngày nay phóng khoáng đón chào du khách muôn nơi. Những thiếu nữ Chăm e ấp sau chiếc khăn Khanh Ma-om như níu kéo bước chân người lữ khách.

Di chuyển đến làng Chăm Châu Giang như thế nào?

Việc di chuyển đến làng Chăm Châu Giang sẽ chọn một trong hai hình thức này. Cụ thể:

Nếu di chuyển bằng đường bộ thì bạn bến phà Châu Giang cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km. Tại đây, bạn sẽ chờ phà để qua địa phận xã Châu Phong của huyện Tân Châu. Qua phà, bạn rẽ trái đi hơn 1km nữa là đến làng Chăm Châu Giang.

Bằng đường sông thì bạn sẽ đến ngã ba Châu Đốc để thuê tàu. Giá thuê thuyền tại mỗi điểm sẽ có nhiều mức khác nhau, tùy theo chuyến đi của bạn đến những điểm nào và đi bao nhiều người. Tuy nhiên một điều mà bạn có thể an tâm là giá tương đối rẻ và rất hợp lý. Đây là hình thức được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn nhất. Nếu đi bằng đường sông có thể kết hợp tham quan làng bè Châu Đốc.

Di chuyển đến làng Chăm Đa Phước như thế nào?

Từ Châu Đốc, bạn cần xuống 1 bến tàu nhỏ gần khách sạn Victoria Châu Đốc để đi tàu. Giá thuê tàu tại mỗi điểm sẽ có nhiều mức khác nhau, tùy theo chuyến đi của bạn đến những điểm nào và đi bao nhiều người trên đường đi, bạn có thể kết hợp ghé thăm làng bè nổi Châu Đốc. Hoặc nếu chọn đường bộ, bạn có thể qua cầu Cồn Tiên, rẽ trái đi 2,4km, sau đó rẽ phải đi hơn 3km nữa là đến làng Chăm Đa Phước.

Thưởng thức ẩm thực Chăm

Cơm nị và cà púa là hai món ăn truyền thống nổi tiếng của đồng bào dân tộc nơi đây. Hai món ăn này là sự kết hợp hài hòa, bổ sung cho nhau, cách nấu tương đối cầu kì, độc đáo và khá lạ đối với cả du khách Việt và du khách quốc tế. Nhìn chung, cà púa cũng không khác nhiều so với cari ngoài việc cà púa chỉ toàn thịt mà không có khoai, rau hay bất cứ món nào được nấu cùng, và đặc biệt là cực béo và cực cay.

Tum lò mò, trong tiếng Chăm có nghĩa là lạp xưởng bò. Tum lò mò được làm từ thịt đùi, bắp hoặc nạc bò tươi ngon. Tất cả được xắt nhuyễn và tẩm ướp bằng một vài loại gia vị bí truyền, trong đó có cơm nguội, rượu, gừng.... nên hương vị rất khác so với lạp xưởng của người Kinh, người Hoa và người Khmer. Ruột bò được làm sạch rồi nhồi thịt bò đã tẩm ướp vào, đem phơi nắng đến căng tròn là được. Dạo quanh làng Chăm, cứ cách vài nhà là du khách sẽ thấy dàn phơi lạp xưởng màu đỏ hấp dãn. Tum lò mò có thể nướng hoặc chiên, ăn kèm rau sống, dưa chua, chấm với tương ớt hay muối tiêu chanh đều rất hấp dẫn.

Người Chăm có món cari dê, bò, cừu, gà cá,... các loại thịt này không cần chiên trước khi nấu như người Việt, họ nấu theo cách nấu của người Ấn Độ, nhiều ớt cay và sử dụng nước cốt dừa làm chất béo.

Một món “điểm tâm” sáng của người Chăm không những được người dân địa phương ưa chuộng mà còn là mục tiêu đối với nhiều du khách khi đến An Giang – Cơm bò. Có một nhà báo cùng bạn đến du lịch vùng đất An Giang và diễn tả món cơm bò như sau: “Ấn tượng nhất là, miếng thịt bò tảng gần như không tẩm ướm, ánh màu đỏ hồng. Trước khi nướng, người thợ chỉ cần thoa vào miếng thịt tươi rói ít dầu ăn. Ban đầu là lửa ngọn tưng bừng. Khi hai mặt tảng thịt vừa ráo, họ thoăn thoắt cắt thịt nhỏ lại, bề ngang dài gần lóng tay người lớn. Và hạ lửa riu riu. Đáng nể ở chổ, khi họ gắp thịt ra dĩa, thì phần giữa vẫn còn màu hồng đào phơn phớt. Miếng thịt mềm dẻo, ngọt thanh đậm chân nguyên”.

Ngoài ra, người Chăm còn có rất nhiều món độc đáo khác như: Món Gờ pổi được nấu bằng thịt bò như cách nấu cari nhưng các vật liệu thịt, rau, củ đều được chiên vàng, khi nấu thêm đậu phộng và các vị cay, béo.;Món Xàm pạt nấu bằng thịt gà với nước cốt dừa và nhiều gia vị quế, ớt, tiêu...; Món “Ghuh” nấu bằng thịt gà với nước cốt dừa, nghệ, sả, ớt...

Ngoài các món mặn, người Chăm còn có rất nhiều món bánh ngọt khác mà du khách chắc phải nhiều lần về làng Chăm mới có thể thưởng thức hết, như: gante, ha-pây-chal (bánh tổ chim) được chiên bằng dầu, khi chiên các sợ bột xoắn vào nhau như tổ chim; bánh “hanaguh” (bánh ngôi sao); bánh “ha-pây-k’gah” (bánh quay vạt); bánh “ha-pây-nung” (bánh bột đậu chiên); bánh “năm-pa-răng” (bánh bò nướng), năm-ken (bánh hột gà nướng)... thường được làm vào các dịp lễ, tết để đãi khách.

Đa phần, các món ăn của người Chăm An Giang được sáng tạo trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, như: thịt bò, đường thốt nốt của người Khmer, vị béo của dừa, đậm gia vị (hành, tiêu, tổi, ớt, sả). Thêm vào đó là sự khéo léo của người phụ nữ Chăm đã tạo ra những món ăn truyền thống độc đáo, không những có hình thức rất bắt mắt mà còn có hương vị không thể nào quên.  Có thể nói, hương vị ấy chính là sức hút để du khách đến với làng Chăm và những ai đã từng trải nghiệm sẽ vấn vướng mà quay lại.

 

Theo: Diễm Phượng - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Ẩm thực

Địa điểm