Cụm di tích Núi Sam

09/01/2022

Núi Sam là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang. Nhìn từ xa, ngọn núi có dáng dấp giống như một con Sam đang nằm trải mình giữa cánh đồng. Núi Sam cách trung tâm thành phố Châu Đốc chỉ vài km về hướng tây và thành phố Long Xuyên khoảng 62km về hướng tây bắc. Tại đây có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi, sườn núi cho tới tận trên đỉnh. Trong đó, nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất vẫn là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền. Những địa điểm này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia cần được bảo tồn và phát triển.

Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc nơi chân núi Sam. Đây là một di tích lịch sử, kiến trúc, tâm linh quan trọng của tỉnh và của khu vực. Kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Tượng Bà Chúa Xứ thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với sự linh thiêng và ứng nghiệm khiến Miếu Bà hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Đặc biệt vào dịp Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001.

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng. Đây là một danh thắng, một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời phong kiến, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia Việt Nam (xếp hạng năm 1997). Sơn Lăng nằm nơi chân núi Sam, muốn lên lăng, phải qua chín bậc đá ong dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân. Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình do người đời sau xây dựng: một dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn (bản sao) bằng đá cẩm thạch trắng; hai dùng để tượng ngựa và người lính hầu...Tiếp đến là vòng thành và hai cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dày, nên trông lăng thật bề thế, vững vàng. Sơn Lăng là nơi mà Thoại Ngọc Hầu đã chọn để làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn cho ông và 2 người vợ.

Chùa Tây An

Chùa Tây An hay còn gọi là Tây An Cổ tự, đây là ngôi chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích "kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia" năm 1980 và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là "ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam". Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thẫm. Điểm ấn tượng nhất của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa. Chùa cất theo lối chữ "tam", có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc Việt. Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông v.v...Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.

Chùa Hang

Chùa Hang hay chùa Phước Điền tọa lạc trên triền núi Sam. Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Chùa Hang cách cụm di tích chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng 1 km, nằm bên tuyến đường núi Sam - Nhà Bàng. Từ cổng chùa, theo nhiều bậc thang lên cao khoảng 300 m là đến chùa. Nằm trên triền núi Sam nên chùa Hang mang đến cho du khách một không gian rất hữu tình nhưng cũng không kém phần linh thiêng. Chùa hình thành từ khoảng năm 1840 – 1850, do bà Lê Thị Thơ (có biệt danh bà Thợ); mang pháp hiệu Diệu Thiện lập nên. Ban đầu chùa chỉ là một am tu bằng tre lá; do bà Thợ tạo lập để làm nơi tu hành khi còn trẻ. Theo truyền thuyết kể lại rằng, cạnh cái am nơi bà Thợ tu hành; có một cái hang động tối, không ai lui tới. Đó là nơi sinh sống của 2 con mãng xà hung tợn ai cũng sợ. Tuy nhiên, từ khi bà đến và dựng am cạnh hang, 2 con mãng xà này trở nên hiền lành. Hàng ngày chúng ăn chay và nghe bà đọc kinh. Sau một thời gian, 2 con mãng xà trở thành kẻ trông nom chốn tu hành của bà Thơ trước thú dữ. Bà đặt tên cho nó là Thanh Xà và Bạch Xà. Không biết câu chuyện ấy có thật hay không nhưng từ khi bà qua đời; người ta cũng không thấy 2 con mãn xà đó nữa.

Thông tin chi tiết:

- Giờ mở cửa: 8 giờ đến 21 giờ
- Giá vé: chỉ thu vào mùa vía bà người lớn 20.000đ đối với du khách đi xe khách hoặc ô tô
- Các dịch vụ: tham quan, chụp ảnh, cúng bái
- Phương tiện, bãi đậu xe: bãi đậu xe ô tô miễn phí tập trung trong khu thương mại Vĩnh Đông nằm dưới chân núi, có xe điện trung chuyển đưa đón 2 lượt đối với khách mua vé tham quan.
- Thông tin liên hệ: Ban Quản Lý Khu Di Tích Văn Hóa Lịch Sử Và Du Lịch Núi Sam

Địa chỉ: Số 107 Lê Lợi, Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang

 

Theo: Bích Phương - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

 
 

 

 

Ẩm thực

Địa điểm