Lễ hội đua bò Bảy Núi

16/01/2022

Thời gian: tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của dân tộc Khmer Nam bộ, từ ngày 29/8 - 1/9 âm lịch (khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch) hàng năm.

Địa điểm: Sân đua bò xã núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) do hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn luân phiên tổ chức. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.

Nguồn gốc của Lễ hội ?


Lễ hội đua bò xuất phát từ tinh thần yêu lao động, tính phóng khoáng rộng mở của người Khmer Nam bộ. Từ xa xưa, người Khmer An Giang đã sống theo phum sóc, hầu hết đều làm ruộng, rẫy và dùng bò để cày kéo. Trong khi làm việc, nông dân rủ nhau đua bò, tạo không khí vui vẻ, hăng hái lao động, đôi bò thắng cuộc thường được tặng thưởng tạo thêm sự phấn khích. Về sau, lễ hội đua bò đã trở thành món ăn tinh thần của người dân trong vùng và là dịp đáng chờ đợi nhất trong năm ở vùng Thất Sơn.

Lễ hội diễn ra như thế nào?


Người dân sẽ tuyển chọn các đôi bò tham gia thi đấu và có chế độ chăm sóc đặc biệt, nhất là trong khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc đua. Sau khi bốc thăm chọn cặp đấu, đôi bò thi đấu kéo theo bừa và nài đứng trên, nài bò sẽ dùng roi và kích để thúc cặp bò chạy 2 vòng đua về đích. nếu trong khi đua, ở vòng hô, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua, hoặc đôi bò sau dẫm lên giàn bừa của đôi bò đi trước sẽ bị loại; nhưng đến vòng thả, đôi bò sau chỉ cần giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển bò phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa trong quá trình đua cũng xem như thua cuộc.                                                           

Sự khôn khéo của nài bò điều khiển sao cho vòng thứ nhất cặp bò làm quen với vòng đua, vòng thứ 2 cặp bò chạy nước rút nhanh chóng về đích. Trên đoạn đường đua dài, các cặp bò kéo theo bừa dũng mãnh lao nhanh như xé nước, về đích nhanh nhất sẽ chiến thắng trong cuộc thi này, dưới sự reo hò cổ vũ nhiệt tình của du khách và người dân địa phương. Không những thế, những người đi xem cổ vũ đua bò cũng lấm lem bùn đất từ đường đua lên mặt mũi, quần áo, nhưng nụ cười luôn nở trên môi trong dịp lễ. Tất cả không khí đó chính là những hình ảnh hấp dẫn nhất của văn hóa Tây Nam bộ, niềm khao khát chiến thắng thiên nhiên, yêu lao động, mọi sự mệt nhọc của cả một vụ nông được xả ra, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.


Theo quan niệm của đồng bào vùng Bảy Núi An Giang, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi đôi bò giành chiến thắng không những mang lại cho chủ nhân của mình niềm kiêu hãnh mà con mang đến cho cả phum, sóc một niềm vui, một nghị lực giành thắng lợi mọi lĩnh vực, một năm mùa màng bội thu, dân làng no ấm. Vì những lẽ đó, Lễ hội đua bò Bảy Núi đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh An Giang.

 

THÔNG TIN CHO DU KHÁCH

- Vé tham quan: miễn phí

- Phương tiện di chuyển: xe máy, ôtô, xe du lịch lữ hành, tùy địa điểm

- Các địa điểm tham quan lân cận: Hồ Soài chek; Nhà trưng bày truyền thống; Chùa Tà Pạ; Hồ Tà Pạ….

- Đặc sản địa phương               

  Gà đốt Ô Thum Danh Hây - 0326993975

  Siêu Gà đốt Ô Thum – 03656528247

  Đu đủ đâm và bò nướng Rina - Ấp Bằng Rò, Xã Chi Lăng      

  Bánh canh lò rèn – 114 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Tri Tôn

  Bánh bò thốt nốt – Chợ Tri Tôn

 

Theo: Tuyết Hương - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

 
 

 

 

Ẩm thực

Địa điểm