GỢI Ý MỘT SỐ ĐIỂM ĐỘC ĐÁO VỀ DU LỊCH AN GIANG: VĂN HÓA ẨM THỰC

28/05/2024

1. Cơm tấm Long Xuyên

Cơm tấm Long Xuyên hay còn được bà con địa phương gọi là cơm tấm nhuyễn vì nguyên liệu chính được làm từ hạt gạo tạo thành từ những mảnh vụn khi phơi, xay xát. Cơm tấm không thể nấu theo cách thông thường mà phải hấp cách thủy, người nấu liên tục canh chừng để thêm nước sao cho vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão. Sau khi nấu xong, hạt cơm chỉ to bằng đầu cây chân nhang, loại gạo này khá tơi và có vị ngọt nhẹ. Một dĩa cơm tấm Long Xuyên đầy đủ sẽ bao gồm sườn, trứng, bì, chả và đồ chua ăn kèm.

Cơm tấm ở Long Xuyên là sự kết hợp hài hòa và hoàn hảo giữa các nguyên liệu với nhau. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được độ dẻo thơm của cơm, vị thơm ngon của thịt nướng, béo bùi của trứng kho, cái dai của bì, độ giòn của dưa chua và hương vị mặn ngọt cay cay của nước mắm.

Cơm tấm Long Xuyên được công nhận Kỷ lục Châu Á năm 2023.

2. Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc là món ăn dân dã nhưng lại được chế biến hết sức cầu kỳ và công phu. Nguyên liệu làm nên tô bún cá gồm có bún, rau: rau muống bào, bắp chuối, giá, bông điển điển….Bún cá Châu Đốc thì không thể thiếu cá lóc. Cá lóc sau khi mang về sẽ được rửa sạch, cắt bỏ vây và ruột. Sau đó cá lại được dùng giấm và muối để chà cho sạch nhớt rồi đem rửa sạch một lần nữa. Không có một cách làm cá nào nhất định nhưng tiêu chí chung là vẫn giữ được độ tươi ngọt và không bị tanh khi nấu.

Tiếp đến, thứ quan trọng nhất nhì trong nồi nước dùng là củ ngải bún. Củ ngải bún có hình dạng và màu sắc khá giống với củ nghệ tươi. Tuy nhiên, củ ngải bún có mùi thơm nhẹ chứ không thơm nồng nàn như các loại củ gia vị khác. Ngải bún sau khi rửa sạch sẽ được nghiền nhuyễn cùng với nghệ tươi sau đó vắt lấy nước cốt. Ngải bún không chỉ làm dậy mùi thơm của nước dùng mà còn giúp khử đi mùi tanh của cá.

Một nồi nước dùng được cho là thành công khi mang một màu vàng ươm hấp dẫn cùng hương thơm thoang thoảng của ngải bún, nghệ tươi và sả cây. Khi ăn nhiều chỗ còn cho thêm thịt heo quay hay hột vịt lộn.

3. Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu thường vào mùa từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Sầu đâu có vị đắng nhưng hậu ngọt, có tính mát dùng để giải nhiệt rất tốt. Sầu đâu sau khi mang về sẽ được trụng sơ qua nước sôi để giảm vị đắng. Sau đó được trộn chung với các nguyên liệu như tôm, thịt luộc, dưa leo, xoài sống thái sợi vừa ăn. Tất cả sẽ được trộn chung với nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Tuy nhiên, để món gỏi sầu đâu An Giang thêm hoàn chỉnh thì không thể thiếu sốt mắm me chấm gỏi.

Ở An Giang, gỏi sầu đâu thường được kết hợp với khô cá lóc hoặc khô cá sặc bổi. Vị đắng của sầu đâu hoà cùng vị mặn của khô, cái beo béo của thịt luộc và chua ngọt từ sốt mắm me khiến ai đã thử qua sẽ không bao giờ quên.

Món Gỏi sầu đâu được công nhận Kỷ lục Châu Á năm 2022.

4. Mắm Châu Đốc

Mắm Châu Đốc không chỉ là đặc sản trứ danh mà còn là một biểu tượng ẩm thực của vùng sông nước An Giang.

Châu Đốc là thành phố có vị trí vô cùng thuận lợi cho việc đánh bắt cá. Cũng vì thế mà nghề làm mắm đã xuất hiện tại đây được hơn 100 năm với nhiều đơn vị sản xuất lâu đời nhất đất An Giang. Mắm Châu Đốc nổi tiếng không chỉ vì ngon mà còn vì hương vị, chất lượng và công thức làm ra món ăn này không giống bất kỳ cách làm của vùng miền nào khác.

Nếu ngày xưa, mắm Châu Đốc chỉ tập trung một số loại cá quen thuộc thì ngày nay mắm Châu Đốc đa dạng về sản phẩm và mẫu mã với trên 20 loại mắm như: Mắm cá linh, mắm cá mè vinh, mắm cá lóc đồng, mắm cá sặc, mắm thái, mắm đu đủ, mắm cá trèn, mắm cá chốt…

Mắm được bà con chế biến bằng rất nhiều cách khác nhau, như: Ăn sống, chiên, kho, chưng kèm thịt ba rọi, trứng vịt.., lẩu mắm, bún mắm…. Khi ăn mắm kho cần nhiều thứ rau, nhưng tăng thêm hương vị độc đáo của vùng sông nước thì không thể thiếu bông điên điển, bông súng, cù nèo, rau dừa..

5. Xôi phồng Chợ Mới

Xôi phồng Chợ Mới là món đặc sản An Giang có quy trình chế biến cầu kỳ. Nguyên liệu chính để chế biến món Xôi phồng Chợ Mới là nếp thơm và đậu xanh.

Xôi sau khi nấu xong sẽ được giã nhuyễn hoặc xay mịn rồi chiên trên chảo dầu nóng cho đến khi phồng to, có màu vàng ươm đều các mặt.

Thành phẩm vừa chiên xong bày ra đĩa là món xôi có hình dáng như quả bóng tròn vàng ươm rất lạ mắt. Để dễ ăn, bà con sẽ cắt thành những miếng mỏng và chấm với tương ớt hoặc xì dầu. Xôi phồng An Giang khi thưởng thức có lớp vỏ giòn rụm, tan trên đầu lưỡi, hương thơm đậu xanh đặc trưng hòa quyện độc đáo cùng vị nước cốt dừa béo ngậy mang đến trải nghiệm ẩm thực đặc biệt hấp dẫn. Chuẩn bài nhất, mọi người nên dùng chung xôi với món gà quay thủ công được chế biến từ gà nuôi thả trong vườn.

6. Gà đốt Ô Thum

Để làm ra món gà đốt lá chúc Ô Thum, người dân phải lựa chọn nguyên liệu vô cùng kỹ lưỡng. Gà để chế biến gà đốt ngon nhất phải có trọng lượng khoảng từ 1.3kg đến 1.8kg. Loại gà tuy nhỏ nhưng da mỏng còn thịt thì rất săn chắc và ngon ngọt.

Điều tạo sức hấp dẫn của món gà đốt Ô Thum không chỉ nằm ở phần nguyên liệu mà còn vì bí quyết chế biến độc đáo của người dân địa phương. Bên cạnh các loại gia vị thông dụng như muối, đường, tỏi, sả, ớt, thì món ăn này còn có thêm một thành phần đặc biệt chính là lá chúc.

Trước khi đốt gà, người dân sẽ lót ở bên dưới một lớp lá sả và lá chúc rồi cho thêm dầu ăn. Sau đó, gà sẽ được đốt trong lửa đỏ từ 20 - 30 phút đến khi da vàng ruộm. Lửa dùng để đốt gà phải cháy thật to rồi từ từ nhỏ dần để thịt gà được chín đều. Gà đốt Ô Thum khi đã chín sẽ có một lớp da giòn tan, vàng ươm đẹp mắt, vị thịt mềm, ngọt đậm đà và đặc biệt mùi thơm cực kỳ đặc trưng. Khi thưởng thức gà đốt Ô Thum, thực khách sẽ được chuẩn bị sẵn một cái kéo để có thể tự cắt thịt và một đĩa gỏi rau sống ăn kèm.

7. Bánh canh Vĩnh Trung

Bánh canh Vĩnh Trung là sự kết hợp hoàn hảo giữa sợi bánh, nước dùng và thành phần nhân. Không giống sợi bánh tròn to thông thường, bánh canh Vĩnh Trung làm từ gạo Neang Nhen có sợi dẹt nhỏ, đầy lẳn và trắng nõn, khi thưởng thức dai mềm, trơn tuột rất lạ miệng. Nước lèo được ninh chắt từ các loại xương như xương heo, xương gà, ngoài ra còn có cá đồng và tôm nên chan vào tô bánh canh đặc biệt thanh ngọt, thơm ngon. Thành phần nhân của món ăn đặc sản thường bao gồm khoanh giò heo, bò viên, cá lóc, tôm... dùng kèm với rau giá. Hấp dẫn nhất phải kể đến viên bò lớn được cắt làm đôi, bên trong có màu nâu hồng của thịt vừa chín tới, ăn vào cảm giác như thịt bò xay nhuyễn chứ không xốp như viên thịt trộn phụ gia.

8. Cơm bò Châu Phong

Về xứ lụa Tân Châu, ngoài tham quan làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào ChămTrải nghiệm cơm bò Châu Phong thực khách sẽ cảm nhận một hương vị thật nguyên bản. Hương vị tự nhiên của bò nướng kết hợp cùng những hạt cơm trắng dẻo ngọt. Ăn kèm với cơm bò nướng còn có rất nhiều món ăn kèm khác. Tùy quán cơm, thực khách sẽ được thưởng thức cơm bò cùng với dưa chua, cà rốt, hành tím, ngó sen ngâm chua ngọt. Nước chấm cũng là một phần đặc biệt của món ăn, được pha trộn từ chua, cay, mặn, ngọt, làm nền cho hương vị của thịt trở nên đặc sắc hơn, xúc 1 muỗng cơm, đặt vào đó ít đồ chua, miếng thịt bò, rưới lên chút nước mắm, đơn giản mà tròn vị.

Ngoài thịt bò, một số quán còn có bán kèm lòng bò nướng. Vị dai béo ngọt thơm cũng chắc chắn khiến du khách bất ngờ. Mỗi dĩa cơm sẽ được phục vụ kèm một tô cháo bò nấu loãng. Trong tô cháo thơm lừng có vị cay nồng của hành, gừng, vị béo của tủy, vị mềm của thịt, của huyết, thơm phức ngon lành.

9. Bánh xèo rau rừng Núi Cấm

Đến với Núi Cấm, nơi được ví như "nóc nhà miền Tây", ngoài tham quan Hồ Thủy Liêm, Chùa Vạn Linh…nơi đây còn níu chân du khách bởi món bánh xèo rau rừng trứ danh. Bánh xèo nơi đây có vị giòn tan với lớp vỏ bánh mỏng, được ăn kèm với hơn 30 loại rau rừng phong phú và đầy đủ dinh dưỡng. Những loại rau rừng ở đây độc đáo và mang đầy đủ hương vị hoang dã của vùng Thất Sơn như đọt bứa, đọt muối, đọt dâu rừng, sung rừng, bằng lăng rừng, bơ, sộp, tam lan, cát lồi, chồi mòi, hồng đào, cẩm xuyên, đinh lăng… và nhiều loại rau khác, mỗi loại mang lại vị thuốc đặc biệt có tác dụng trị liệu cho cơ thể. Ngoài vị ngon và độc đáo, rau rừng ở đây còn được mệnh danh là “rau siêu sạch” bởi chúng không dính líu đến bất kỳ loại hóa chất nào. Điều này đảm bảo món ăn lành và an toàn cho sức khỏe của thực khách.

10. Tung lò mò

Nghe tên Tung lò mò nhiều du khách cảm thấy có vẻ xa lạ nhưng Tung lò mò thực chất lại là món ăn quen thuộc với nhiều người. Tung lò mò hay còn gọi là lạp xưởng bò – một đặc sản An Giang được đông đảo thực khách gần xa yêu thích. Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò nguyên chất, không sử dụng chất bảo quản và đặc biệt không trộn lẫn thịt mỡ heo xay trộn. Trong quá trình chế biến, người Chăm An Giang sẽ sử dụng ruột bò bao bên ngoài, bên trong dồn thịt bò đã xay nhuyễn trộn với gia vị như tiêu, tỏi và một số nguyên liệu bí truyền của người Chăm. Tung lò mò có thể ăn kèm với các món ăn khác bằng cách nướng, chiên hoặc hấp, nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên than hồng, dùng nóng.

 

Với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch An Giang theo hướng bền vững, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Sáng tạo Video clip du lịch An Giang năm 2024” chủ đề “An Giang trong trái tim tôi” nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về văn hóa, văn minh, cảnh quan thiên nhiên và con người An Giang thân thiện, mến khách đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Cuộc thi là dịp để tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác các tác phẩm, góc quay mới lạ, độc đáo, thể hiện những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người An Giang.

 

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại link bên dưới hoặc liên hệ: 02963.852.669 - 0986.355.088 (Huyền Trâm)

https://drive.google.com/drive/folders/13AZD8YlPlhY40MVEz6pwY04TLDGuMrQC

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter