GỢI Ý MỘT SỐ ĐIỂM ĐỘC ĐÁO VỀ DU LỊCH AN GIANG: LỄ HỘI

28/05/2024

1. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Hàng năm, vào thàng 4 (âm lịch) Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam đã trở thành điểm hẹn của hàng triệu khách thập phương. Đây là Lễ hội truyền thống được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Tượng bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6. Tượng Bà cao khoảng 1,65m, theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Tượng được đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rộng phụng, kim tuyến lấp lánh.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

Năm 2014, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

2. Lễ hội đua bò Bảy Núi

Hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer, tỉnh An Giang là một trong những hoạt động văn hóa nôi bật ở miền Tây Nam Bộ. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của dân tộc Khmer, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa thu hút sự quan tâm của du khách tại các tỉnh, thành cả nước. Lễ hội đua bò Bảy Núi do hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn luân phiên tổ chức hàng năm vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ, thường diễn ra vào tháng 10 dương lịch.

Để tổ chức hội đua bò truyền thống, đồng bào Khmer chọn một khoảng ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m có nước xăm xắp, được "trục" xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Theo thông lệ, huyện Tịnh Biên sẽ tổ chức Lễ hội tại sân chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung; huyện Tri Tôn sẽ tổ chức tại sân chùa Tà Miệt, xã Lương Phi.

3. Lễ hội Chôl Chnam Thmay

Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng Năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm mới.” Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên; không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một Năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Việc tổ chức Tết Chôl Chnam Thmay xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau, để có thể bắt đầu mùa vụ mới. Thời điểm cỏ cây trở lại tươi tốt, thiên nhiên trỗi dậy sức sống, tức là năm mới đã bắt đầu.

Người dân chú tâm trang trí, quét dọn, sửa sang nhà cửa, các chùa Khmer được trang hoàng sinh động với đủ loại hoa, trái cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Bánh tét cũng được “góp mặt” trong các loại bánh trái ngày Tết, mang theo lời nguyện cầu no đủ, sung túc.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm, là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy, tất cả lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnam Thmay.

Ấn tượng nhất là khung cảnh ồn ã té nước, chọi bột vào nhau thay cho lời chúc mừng năm mới. Càng ướt, càng lấm lem bao nhiêu, thì mọi người càng vui vẻ, tin tưởng vào niềm may mắn nhận được bấy nhiêu.

4. Lễ hội Đình Châu Phú

Đình Châu Phú có tên chữ là Trung Nghĩa Từ còn được gọi là Lễ Công Từ Đường, tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Thoại, thuộc phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc. Đình Châu Phú được xây dựng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, kiểu chữ "tam", nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, nền lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chất. Trên nóc đình chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa long, chim, công, phụng, sư tử...

Chánh điện gồm có 3 gian. Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh - Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu - Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban. Chánh điện có 9 hàng cột, mỗi hàng 4 trụ. Cột được làm bằng gỗ quý, đường kính hơn một vòng tay, ốp liễn đối, sơn son thiếp vàng, chạm trỗ lộng lẫy với các hình bát tiên, chim muông, mai lan, cúc trúc... Tất cả các hàng cột đều có hoành phi và câu đối được sơn thiếp vàng lộng lẫy.

Đình Châu Phú nổi tiếng với các hoạt động lễ hội Kỳ yên hàng năm vào ngày 10 – 13/5/ âm lịch, gồm: Lễ thỉnh sắc: ngày 10/5 ÂL, Lễ Túc Yết và Xây chầu: ngày 11/5 ÂL, Lễ Chánh tế: ngày 12/5 ÂL, Lễ hoàn vị sắc thần (Hồi sắc): ngày 13/5 ÂL.

5. Lễ hội Kỳ Yên tại Đình Thoại Ngọc Hầu

Lễ hội Kỳ Yên nhằm tưởng nhớ Tôn thần Thoại Ngọc Hầu cầu mong thần phù hộ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu được tổ chức trong 3 ngày (10,11,12 tháng 3 âm lịch hàng năm) đây là một lễ hội lớn nhất của người dân Thoại Sơn.

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là một vị tướng đã cống hiến suốt đời mình trong công cuộc khai hoang, lập ấp, đắp đê, làm đường, mở mang vùng Hậu Giang xưa, giữ yên bờ cõi phía Tây Nam, người có công truyền bá nghệ thuật dân tộc đặc sắc đến mọi vùng miền của Tổ quốc. Lễ hội Kỳ Yên gồm các nghi lễ: Nghinh thần, Túc yết, Xây chầu, Đại bội và Lễ Chánh tế.

Một nét riêng biệt nhất trong Lễ hội Kỳ Yên là những ngày diễn ra lễ hội ngoài quan niệm tâm linh những người dân đến cúng thần thì một phần đi đến đình để xem hát bội, đây là món ăn tinh thần, nét đặc trưng không thể thiếu của người dân Nam bộ, thường họ diễn những tuồng tích về trung hiếu, tiết nghĩa và nhất là những tuồng cổ xưa.

 

Với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch An Giang theo hướng bền vững, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Sáng tạo Video clip du lịch An Giang năm 2024” chủ đề “An Giang trong trái tim tôi” nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về văn hóa, văn minh, cảnh quan thiên nhiên và con người An Giang thân thiện, mến khách đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Cuộc thi là dịp để tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác các tác phẩm, góc quay mới lạ, độc đáo, thể hiện những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người An Giang.

 

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại link bên dưới hoặc liên hệ: 02963.852.669 - 0986.355.088 (Huyền Trâm)

https://drive.google.com/drive/folders/13AZD8YlPlhY40MVEz6pwY04TLDGuMrQC

Bài viết liên quan

Ẩm thực

Địa điểm

Twitter