Di tích văn hóa Óc Eo

11/12/2021

Óc Eo là tên một vùng gò đất lẫn đá nổi lên trên một cánh đồng phía nam núi Ba Thê. Năm 1944, từ các thông tin trong lịch sử và thư tịch cổ, ông Louis Malleret, một nhà khảo cổ ở trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) lúc ấy làm quản thư viện Bảo tàng Sài Gòn đã đến vùng Óc Eo nay thuộc Xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn) để khai quật dấu tích một hải cảng nay đã bị sụp trong lòng đất và đã phát hiện ra dấu vết các di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo. Đây là dấu tích của một nền văn minh lớn và rực rỡ đã một thời hiện diện từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII đã và đang được phát hiện ở nhiều nơi, trong đó tỉnh An Giang được xem là một địa bàn trọng điểm tập trung nhiều nhất các loại hình di tích, di vật. Gò Óc Eo thuộc Ba Thê (huyện Thoai Sơn) là nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ quan trọng của nền văn minh cổ xưa ấy và  Óc Eo đã trở thành tên gọi chung cho các di chỉ được phát hiện ở các địa phương khác.

DI TÍCH GÒ CÂY THỊ

Di tích Gò Cây Thị thuộc loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo.

Di tích Gò Cây Thị A có diện tích 488m2, các cuộc khai quật đã phát hiện được các loại vật liệu trang trí mái như mảnh ngói, diềm ngói, chóp ngói ở đây. Giai đoạn 1, việc tìm thấy tượng Surya ở đây cho thấy vào thế kỷ III – V nơi đây là đền thờ thần mặt trời Surya của Hindu giáo. Giai đoạn 2, việc tìm thấy các tượng phật bằng đồng mang phong cách Bắc Ngụy của Trung Quốc cho thấy sự chuyển mình của tôn giáo từ Hindu giáo sang Phật giáo giai đoạn này.

Gò Cây Thị B có diện tích khoảng 300 m2. Qua khai quật xác định đây là loại hình kiến trúc xây bằng gạch – đá, cấu tạo gồm 2 vòng tường xây bọc quanh một nền hình chữ nhật đắp bằng đất cát. Bên trong kiến trúc là một nền bằng phẳng, được nện chặt bằng nhiều lớp đất màu sắc khác nhau, bên ngoài kiến trúc có hành lang bằng gạch bao quanh. Nhiều nhận định cho rằng đây là một kiến trúc mộ hỏa táng xây bằng gạch – đá tuy nhiên còn dang dở.

Với giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa khoa học cao, Di tích Gò Cây Thị được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT-DL) xếp hạng là Di tích khảo cổ cấp quốc gia vào 30/12/2002 (theo quyết định số 39/2002/QĐ.BVHTT).

Di tích Gò Cây Thị A


Di tích Gò Cây Thị B

DI TÍCH NAM LINH SƠN TỰ

Di tích nằm ở hướng Nam của chùa Linh Sơn nên được gọi là Di tích Nam Linh Sơn Tự hay còn gọi là Linh Sơn Nam.

Di tích có diện tích hơn 350 m2, có niên đại từ thế kỷ I SCN và tiếp tục tồn tại đến thế kỷ IX, là loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo. Di tích có kiến trúc xây dựng bằng đá và gạch cùng với những đường cống ngầm bên trong thể hiện trình độ văn minh khá cao của cư dân cổ từ hơn 10 thế kỷ trước.

Theo các nhà khảo cổ, kiến trúc này có ít nhất 02 giai đoạn xây dựng và sử dụng. Ở giai đoạn sớm, một số cấu trúc đường móng và vách ngăn không còn nguyên vẹn, phần lớn các mảnh gốm tìm thấy ở tầng văn hóa này là gốm mịn.

Ở giai đoạn muộn, ngoài gốm mịn, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các loại gốm muộn và ngói lợp. Đặc biệt, có 1 mộ chum bằng gốm thô có đường kính 0.67m, cao 0.4m được tìm thấy, bên trong mộ chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng được dát mỏng và 01 hạt chuỗi bằng mã não. Đây là lần đầu tiên mộ chum được tìm thấy trong một di chỉ Óc Eo và cũng là lần đầu tiên mộ chum hỏa táng được tìm thấy trên thế đất cao trên sườn núi.

Ảnh Di tích Linh Sơn Nam

CHÙA LINH SƠN (CHÙA PHẬT BỐN TAY)

Chùa Linh Sơn được xây dựng năm 1912, tính đến nay đã được 106 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Hiện trong chùa đang lưu giữ 03 hiện vật thuộc nền Văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu và 02 bia đá cổ. Tượng được phát hiện năm 1912, có niên đại khoảng thế kỷ thứ V, sau khi được mang về chùa để thờ cúng, người dân địa phương đã cải biến một số chi tiết của tượng so với nguyên bản ban đầu như quét thêm bột màu, đắp bệ ngồi, thêm vào chi tiết các đầu rắn.

Ngoài bức tượng, hai bia đá cổ được đặt hai bên bức tượng được phát hiện năm 1879, có niên đại thế kỷ V, làm bằng chất liệu đá sa thạch đen, có nhiều vân trên bề mặt. Trong đó, bia đá phía bên trái (từ chính điện nhìn vào) có chạm khắc chữ cổ Sanskrit (chữ Phạn), 11 dòng chữ trên bia đá có nội dung ca ngợi quyền năng của thần Shiva cùng công đức của vua Kumahambra đã xây đền thờ, đồng thời nói về việc mẹ của vua đã dâng cúng thần nhiều tôi tớ để phục vụ đền thần và xây nhiều nhà cho tôi tớ trông coi ngôi đền ở.

Tượng thần Vishnu và hai bia đá được công nhận là Di tích Quốc gia vào ngày 18/01/1988 (theo Quyết định số 28/VH.QĐ)


Ảnh Chùa Linh Sơn

NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA ÓC EO

NTB được đưa vào hoạt động vào tháng 01/2016. Hiện đang trưng bày các hiện vật Văn hóa Óc Eo và được chia thành 05 gian trưng bày chính:
1. Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động cư trú: bao gồm các vò, bình, chén, nắp đậy dùng trong sinh hoạt hằng ngày, cột gỗ nhà sàn và xương răng động vật…
2. Gian trưng bày các hiện vật mộ táng bao gồm các mô hình mộ nguyệt đất hình vuông, số lượng là 05 cái cùng một số hình ảnh.
3. Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến chế tác thủ công bao gồm các mảnh vàng, chuỗi thủy tinh, dụng cụ chế tác như cốc rót kim loại, nồi nấu kim loại, dụng cụ làm bóng bề mặt gốm, bàn nghiền, chày nghiền…
4. Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động giao thương bao gồm các đồng tiền, con dấu, thuyền độc mộc…
5. Gian trưng bày các hiện vật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm: bình kendi, đầu tượng, tay tượng, vòi bình…


Ảnh NTB văn hóa Óc Eo

 

THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG:

- Nhà trưng bày:

Thứ 2 đóng cửa, còn lại tất cả ngày trong tuần phục vụ bình thường kể cả ngày lễ, tết.

+ Sáng: Từ 7 giờ 30 - 11 giờ 00

+ Chiều: Từ 13 giờ 30 - 17 giờ 00

- Các điểm di tích:

Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

LIÊN HỆ ĐĂNG KÝ THUYẾT MINH

Phòng Tổ chức, Hành chính, SĐT: 02963.878.156

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VĂN HÓA ÓC EO TỈNH AN GIANG

Địa chỉ: đường Nguyễn Thị Hạnh, ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Điện thoại: 02963.878.156 - Fax: 0296 3954 820

Email: banqldtvhoe@angiang.gov.vn

 

Theo: Hoàn Đức - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

 
 

 

 

Ẩm thực

Địa điểm