MÙNG 5 THÁNG 5 ĐÂU THỂ THIẾU BÁNH XÈO

07/06/2024

Không gian ẩm thực Bánh truyền thống dân tộc An Giang diễn ra trong ba ngày 08, 09, 10/6/2024 tại công viên hồ Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên. Đúng vào dịp mùng 5 tháng 5 nên một trong những món bánh truyền thống được biểu diễn tại sự kiện không thể không kể đến Bánh xèo. 

Bánh xèo là món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Nhiều người cho rằng: do khi bột lỏng “đổ” xuống chảo nóng, phát ra tiếng kêu xèo xèo nên đặt tên bánh là vậy. Bánh xèo hình tròn, mỏng, màu vàng nghệ. Quy trình làm bánh khá phức tạp từ khâu làm bột, pha với nghệ, nước cốt dừa, chuẩn bị phụ liệu nhưn thịt, tôm, củ sắn, giá,... cho đến công đoạn “đổ” bánh phải khéo tay, trải bột đều, không để bánh khét. Ở miền nam, ngoài củ sắn, người đầu bếp thường dùng dùng củ hủ dừa làm nhưn. Còn ở miền Bắc, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm khoai môn thái sợi. 

 

Khi ăn bánh xèo phải kèm theo rau sống, chấm nước mắm chua. Rau sống ăn kèm thường là các loại rau có vị thuốc, lợi tiêu hóa, thanh nhiệt như: rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách. Ở các vùng miền Trung, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua. Ở An Giang, bánh xèo thường ăn kèm rau rừng Núi Cấm không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là những bài thuốc quý như: bứa, ngành ngạnh, đọt vừng, cóc rừng,...

B.P

Ẩm thực

Địa điểm