ĐẶC SẢN BÁNH KATUM TẠI KHÔNG GIAN ẨM THỰC BÁNH TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC AN GIANG

07/06/2024

Không gian ẩm thực Bánh truyền thống dân tộc An Giang là sự kiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bánh truyền thống của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer tại tỉnh An Giang. Chương trình diễn ra trong ba ngày 08, 09, 10/6/2024 tại công viên hồ Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên. Một trong những món bánh truyền thống được biểu diễn tại sự kiện là bánh Kà Tum của nghệ nhân Neáng Phương đồng bào Khmer. Kà Tum trong tiếng Khmer có nghĩa là "quả lựu" với kích thước nhỏ, thân vuông tròn và có một hoa trên đỉnh đầu.

Làm bánh Kà Tum, khâu mất thời gian nhất là vỏ bánh. Vỏ bánh được sử dụng lá thốt nốt non để gói. Từng lá thốt nốt chia nhỏ thắt thành khung bánh hoàn toàn thủ công, chỉ chừa một lổ nhỏ để cho nguyên liệu vào. Một chiếc bánh đẹp là vỏ ngoài vuông góc các mặt, các mấu nối đan khít không lộ nhân ra ngoài.

Nguyên liệu làm bánh Kà Tum có gạo nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối… Gạo nếp sau khi mua về ngâm rồi để ráo. Sau đó, cho đậu trắng, nước cốt dừa cùng ít muối, đường trộn đều đến khi thấm gia vị thì gói bánh. Bánh sau khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 30 - 45 phút, sau đó vớt ra, chần qua nước lạnh rồi để ráo. Nhìn bề ngoài, bánh Kà Tum có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt. Phần nhân bánh bên trong không dính vỏ, nếp mềm mịn, dẻo thơm, hòa quyện vị béo của nước cốt dừa.

Trước đây, bánh Kà tum chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Từ khi du lịch phát triển, bánh Kà tum trở nên hút khách và được làm bán quanh năm. Nét văn hóa trong ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer theo đó được gìn giữ và phổ biến rộng rãi.

Huyền Trâm

Ẩm thực

Địa điểm