Làng nghề đường thốt nốt

26/11/2021

Nếu đến An Giang du lịch chắc ai cũng đã từng mua đường thốt nốt về làm quà. Nhưng bạn có biết, Làng nghề sản xuất đường thốt nốt cũng là một địa điểm tham quan thú vị. Tập trung trồng nhiều cây thốt nốt và có làng nghề nấu đường thốt nốt truyền thống là 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Để tìm hiểu thêm về nghề nấu đường thốt nốt bạn có thể ghé thăm Làng nghề đường thốt nốt tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn hoặc cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi tại xã An Phú, huyện Tịnh Biên.

Khi mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển sang khô cũng là thời điểm đồng bào Khmer tại đây lại tất bật chuẩn bị dụng cụ, sẵn sàng cho mùa nấu đường thốt nốt mới… Những hộ gia đình làm nghề nấu đường thường ở những nơi sâu trong sóc, trong thum, đó là những ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa một vườn thốt nốt. Thông thường mỗi gia đình như vậy sẽ sở hữu khoảng 10 cây thốt nốt trở lên. Đường thốt nốt nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Người nông dân sẽ dùng thang tre để leo lên ngọn cây. Khi lên đến ngọn cây, người ta cắt phần ngọn những cuống hoa, sau đó dùng can nhựa hứng nước. Trước đây, thường dùng ống tre gai, ống to, giao lóng để hứng nước thốt nốt, nhưng ngày nay không còn dùng ống tre nữa, mà thay vào đó là thùng nhựa loại nhỏ để nhẹ công mang lên cây. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc đẹp, có thể dùng để đổ đường tán (đường cục). Nếu ít nước hoặc nước không trong thì chỉ dùng để nấu đường chảy. Khi hứng được nước rồi thì phải bắt tay vào nấu đường ngay, nếu để lâu quá một ngày sẽ có mùi chua làm giảm chất lượng đường. Sau khi nước thốt nốt được lọc trong hết tạp chất rồi thì được nấu cho đến khi sệt lại, để nguội rồi đổ vào khuôn là hoàn thành. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Bình quân khoảng 8 - 10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường. Tại những lò nấu đường truyền thống, ngoài nước thốt nốt ra hầu như không sử dụng thêm bất kỳ một loại chất phụ gia nào cả.


Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Nghề nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào Khmer An Giang được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đường thốt nốt là đặc sản của địa phương, đối với đồng bào Khmer đó là món quà quý của trời đất. Nhiều gia đình theo nghề nấu đường từ đời nọ qua đời kia. Cuộc sống và thu nhập của những người làm đường phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên. Nghề làm đường thốt nốt không diễn ra quanh năm, khi An Giang bước vào mùa mưa, thân cây thốt nốt trơn trượt khó leo lên để lấy, mật đường không còn nhiều, cũng là lúc kết thúc mùa làm đường. Nhưng bằng tâm huyết và muốn duy trì cái nghề truyền thống đã có từ lâu đời này không muốn nó bị mai một, họ vẫn cứ bám trụ từ đời này sang đời khác. Tìm hiểu về nghề làm đường thốt nốt là đang tìm hiểu về một phần của văn hoá dân tộc. Đến An Giang, hãy thử một lần đến thăm và mua đường ủng hộ đồng bào dân tộc để góp phần hỗ trợ những ngành nghề truyền thống ngày càng phát triển./.

 

Theo: Bích Phương - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

 
 

 

 

Ẩm thực

Địa điểm