Làng nghề dệt thổ cẩm

30/11/2021

Nhắc đến An Giang chắc hẳn ai cũng biết đến Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam rồi đúng không? Nếu có một lần đến Châu Đốc cúng bà thì hãy bớt chút thời gian ghé thăm Châu Phong, không mất nhiều thời gian của bạn đâu nhưng đổi lại đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Cách Châu Đốc chỉ một dòng sông, bước xuống phà Châu Giang là bạn đã đến Châu phong. Đập ngay vào mắt là thánh đường hồi giáo Mubarak uy nghi được xây dựng dựa theo biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết lấy màu trắng làm chủ đạo, xung quanh có cửa và nóc hình vòm. Dọc con đường đi vào làng Chăm là những ngôi nhà sàn bằng gỗ san sát nhau, thấp thoáng bên khung cửi, những cô thôn nữ ngồi quay tơ dệt thổ cẩm thật duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống.


Ở đây, dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết, từ khi lên 9 lên 10, những thiếu nữ người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt vì xưa nay phụ nữ Chăm chủ yếu chỉ loanh quanh trong nhà do ảnh hưởng của tục cấm cung trước đó. Điều đặc biệt của thổ cẩm Chăm chính là được nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên lấy từ mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa). Hoa văn, họa tiết đặc trưng như sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu,…, đôi khi họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm sinh động và mới mẻ hơn. Hòa theo tiết tấu của con thoi và âm thanh lách cách của các khung gỗ chạm vào nhau, những tấm thổ cẩm với họa tiết bắt mắt và đậm văn hóa bản địa đang được kéo dài nhờ những bàn tay khéo léo. Để làm ra được một sản phẩm đơn giản nhất cũng phải qua mười mấy công đoạn và để dệt xong một khung dài 15 mét phải mất gần nửa tháng trời đủ để thấy sự kì công và tâm huyết của người dệt.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường xuất hiện thường xuyên trong đời sống hằng ngày của con người nơi đây: ở váy, áo, khăn đội đầu, của người phụ nữ, ở mảnh xà rông của người đàn ông…Bên cạnh đó họ còn làm nhiều loại sản phẩm đa dạng phục vụ khách du lịch như: khăn choàng, nón, áo khoác, túi xách và các mặt hàng có tính chất tượng trưng của người Nam Bộ. Đa số khách du lịch đến đây đều cảm thấy thích thú khi được đi thăm các cơ sở dệt tại nhà của người dân.

Vậy đó, đừng vội về khi đến An Giang, phía sau những ngôi làng mộc mạc vẫn còn rất nhiều điều thú vị chờ các bạn đến khám phá. Hãy mang một món thổ cẩm Châu Phong về làm quà và kể cho bạn bè nghe hành trình của các bạn./.

 

Theo: Bích Phương - Trung Tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Ẩm thực

Địa điểm